Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Bạn đang dùng máy để bàn, bạn biết gì về 3 dòng chip Intel Core i3, i5 và i7 chưa???

Khái niệm để mua được mẫu chip phù hợp với nhu cầu sử dụng, bởi cách đặt tên của Intel cho các dòng Core i3, i5 và i7 trên desktop khá dễ hiểu và rành mạch.

-         80% các mẫu PC và 90% laptop mới được trang bị vi xử lý Intel. Điều này có nghĩa rằng nếu đang đi tìm mua các mẫu máy vi tính mới, bạn gần như chắc chắn sẽ lựa chọn Intel thay vì AMD.
-         Lựa chọn đúng dòng chip Intel phù hợp với nhu cầu của bạn sẽ không phải là một quá trình dễ dàng. Bạn chắc chắn sẽ không muốn bỏ ra một đống tiền mua dòng chip vượt quá nhu cầu của mình, và dĩ nhiên bạn cũng sẽ không muốn mua phải một con chip rẻ nhưng không đáp ứng đầy đủ các ứng dụng, tựa game bạn thèm muốn.
-         Nhưng Intel gặp vấn đề về thương hiệu. Bạn có thể gặp khó khăn khi hiểu rõ sự khác biệt giữa các dòng chip Core i3, Core i5 và Core i7. Bài viết dưới đây từ Trusted Review được VnReview biên dịch sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này.

Các dòng Core cho máy để bàn

-         Các mẫu chip Intel Core được chia làm 3 dòng i3, i5 và i7, song cách phân biệt của các dòng chip này trên desktop cũng khác hẳn so với trên laptop. Cách đặt tên dành cho chip Core trên desktop thường logic và dễ hiểu hơn so với trên laptop. Lưu ý rằng các khái niệm như số nhân, cache, Turbo Boost và Hyper Threading đều có trên cả desktop và laptop. 
-         Các vi xử lý desktop mang thương hiệu Core i3, i5 và i7 có nhiều điểm khác biệt. Đầu tiên, chúng luôn được dùng để phân chia các mẫu chip thuộc cùng một thế hệ kiến trúc (hiện tại là Skylake), sử dụng cùng một loại socket nếu cùng kiến trúc và cũng có hiệu năng đồ họa tích hợp tương đương nhau.
-         Tuy vậy, như bạn có thể nhìn thấy trong bảng dưới đây, 3 dòng chip của Intel vẫn có nhiều sự khác biệt. Lưu ý rằng các thông số phía dưới không đại diện cho toàn bộ các model i3, i5 và i7 song vẫn áp dụng với phần lớn các lựa chọn có trên thị trường.



Số nhân
-         Khác biệt đầu tiên mà bạn cần lưu ý là cả Core i5 và Core i7 đều có 4 nhân (Core i7 có thể có nhiều nhân hơn) trong khi Core i3 chỉ có 2 nhân. Đây sẽ là sự khác biệt mang ý nghĩa quyết định nhất tới hiệu năng của mỗi dòng chip.
-         Càng có nhiều nhân thì PC của bạn càng gia tăng khả năng hoạt động đa nhiệm. Ví dụ, với PC có chip lõi tứ và nhiều RAM thì bạn vẫn có thể thoải mái lướt web hay thậm chí là chơi game khi đang chạy quét virus.
-         Chip đa nhân cũng có thể tăng tốc độ cho từng ứng dụng độc lập. Tuy vậy, điều này không áp dụng với tất cả các ứng dụng, bởi thiết kế ứng dụng hoạt động trên nhiều luồng/nhân xử lý là một tác vụ không hề đơn giản với các lập trình viên. Trong khi các vi xử lý ngày nay thường có ít nhất 2 nhân, nếu bạn chỉ là một người dùng bình thường với nhu cầu lướt web và chạy ứng dụng văn phòng, bạn sẽ không nhận được lợi ích thiết thực nào khi mua PC có Core i5 hoặc Core i7.
-         Ngược lại, nếu thường chơi game "đỉnh" hoặc chạy các tác vụ nặng ký như xử lý video, Core i5 và Core i7 sẽ là những lựa chọn bắt buộc của bạn.




Turbo Boost là gì
-         Một điểm có thể khiến bạn cảm thấy bối rối khi chọn chip theo cách truyền thống từ... 10 năm trước: dựa trên xung nhịp. Phần lớn các mẫu chip Core i3 thường có xung nhịp cao hơn mức gốc của Core i5 và Core i7.
-         Xung nhịp là gì? Con số được thể hiện bằng GHz hoặc MHz biểu hiện số vòng đồng hồ (phép tính) mà vi xử lý có thể thực hiện trong vòng một giây. Trong thời đại đơn nhân, xung nhịp càng cao thì vi xử lý càng mạnh mẽ - miễn là bạn đang so sánh các vi xử lý thuộc cùng một thế hệ, một nhà sản xuất. Sang thời đại mới, số GHz không còn là yếu tố duy nhất quyết định đến hiệu năng của vi xử lý nữa: mỗi dòng vi xử lý đều sẽ có mức độ hiệu quả khác nhau, quyết định xem chúng có thể làm được gì với cùng một vòng đồng hồ.
-         Với Turbo Boost, chip Core i5 và Core i7 có thể gia tăng xung nhịp khi cần. Điều này có nghĩa rằng các mẫu vi xử lý này sẽ tiêu thụ ít điện năng hơn khi hoạt động thông thường (nhờ đó tản nhiệt ít hơn) và sẽ gia tăng tốc độ khi chạy các ứng dụng nặng ký. Do đó, các con số xung nhịp được mô tả cùng sản phẩm không phải là xung nhịp cố định của chip i5 và i7. Ví dụ, chip Core i5-6600K được mô tả là có xung nhịp 3.3GHz, thấp hơn mức 3.8GHz của Core i3-6300. Khi Turbo Boost kích hoạt, i5-6600K có thể tăng xung nhịp lên mức 3.9GHz, tức là hoàn toàn vượt trội so với Core i3.
Bạn có cần Hyper-Threading không?

-         Đây có lẽ là phần khó hiểu nhất trên bảng thông số của các dòng Core. Công nghệ này có trên Core i7 và Core i3 nhưng lại không có trên Core i5. Thông thường các mẫu chip càng cao cấp sẽ càng có nhiều tính năng, nhưng điều đó lại không áp dụng với chip của Intel.
-         Về bản chất, Hyper-Threading là tính năng "lừa" hệ điều hành rằng mỗi nhân vật lý là 2 nhân logic (nhân "ảo"). Hệ điều hành sau đó sẽ chia sẻ các tác vụ giữa các nhân logic để giúp chuyển đổi dễ dàng giữa các ứng dụng, đồng thời tăng hiệu năng của từng ứng dụng có hỗ trợ. Ví dụ, trong thử nghiệm của Trusted Reviews, Hyper-Threading có thể tăng hiệu năng của chip lõi kép và lõi tứ lên tới 17%. Trong khi mức gia tăng hiệu năng không thể đạt tới mức gấp đôi như mong muốn, con số 17% cho thấy Hyper-Threading vẫn có ý nghĩa thực tế.
Nhưng rõ ràng là có 4 nhân vật lý vẫn sẽ tốt hơn nhiều so với 4 nhân "ảo". Đây có thể là lý do khiến Core i3 có Hyper-Threading và Core i5 không có Hyper-Threading: Intel cần gia tăng một chút sức hấp dẫn của dòng chip cấp thấp nhưng cũng không thể để i5 lấn sân quá sâu vào địa bàn của i7. Nếu bạn cần một dòng chip 4 nhân mạnh mẽ hết mức có thể, bạn cần phải chọn Core i7.
Bộ nhớ cache

-         Con số cuối cùng cần lưu ý là bộ nhớ tạm cache. Đây là một bộ nhớ có dung lượng rất nhỏ nhưng lại có tốc độ siêu nhanh. Do đó, cache là lớp trung gian giữa nhân xử lý và RAM: các dữ liệu mà CPU cần truy cập thường xuyên nhất sẽ được lưu vào cache để tránh phải truy cập vào bộ nhớ RAM có xung nhịp chênh lệch rất nhiều so với xung nhịp chip.
-         Chip Core i3 cấp thấp có 3MB cache, cao cấp hơn có 4MB; tất cả các mẫu Core i5 có 4MB-6MB cache và Core i7 có từ 8MB trở lên. Dung lượng cache thường sẽ không ảnh hưởng tới quyết định mua sắm của bạn, bởi thực tế là sự chênh lệch về cache giữa Core i3 và Core i5 cũng không đủ nhiều để làm nên khác biệt. Do Core i7 vừa có cache cao vừa có Hyper-Threading, sẽ là rất khó để xác định sự chênh lệch về cache có đem lại khác biệt thực tế nào về hiệu năng hay không.
Chữ cái ký hiệu ở cuối
-         Chúng tôi đã từng mô tả khá chi tiết về các chữ cái ở cuối tên chip, nhưng nhìn chung bạn cần lưu ý về 3 chữ cái K,T và P nhiều nhất.
-         Đầu tiên là model có mã K, lựa chọn dành cho giới ép xung: các mẫu chip dòng K có clock multiplier được mở khóa sẵn, do đó bạn chỉ cần lựa chọn bo mạch tương thích để ép xung. Dĩ nhiên, ép xung đòi hỏi bạn phải có giải pháp tản nhiệt hiệu quả nếu không muốn làm hỏng dàn máy của mình và gây ra nguy cơ cháy nổ.

-         Chip T có xung nhịp thấp hơn và do đó cũng tiêu thụ điện năng thấp hơn. Ví dụ, chip Core i3-6300T có xung thấp hơn tới 500Mhz so với i3-6300 "chuẩn", nhưng điện năng tiêu thụ cũng chỉ dừng ở mức 35W thay vì 51W như thông thường. Cũng bởi lý do này mà các dòng PC để bàn cỡ nhỏ hoặc All-in-One thường sử dụng dòng T.
-         Cuối cùng là các chip có ký hiệu P ở cuối. Đồ họa của các chip P thường có hiệu năng thấp hơn các bản thông thường. Nhưng nếu bạn chắc chắn sẽ mua card VGA rời, sự khác biệt này sẽ chẳng ảnh hưởng mấy đến trải nghiệm của bạn.
Chọn vi xử lý cho game thủ
-         Nếu bạn muốn chơi game "đỉnh" bạn chắc chắn sẽ cần card màn hình rời, nhưng lựa chọn vi xử lý cũng sẽ có ý nghĩa nhất định. Bạn sẽ không muốn CPU trở thành nút thắt cổ chai của hệ thống, nhưng sự thật là bạn cũng không cần phải "đốt" tiền vào CPU.
-         Điều này có nghĩa rằng trong khi bạn nên gạch tên chip Core i3, bạn cũng sẽ không nhận được gì khi chọn Core i7 thay vì mua các dòng Core i5 giá mềm, bởi Hyper-Threading gần như sẽ không phát huy được tác dụng gì trên các tựa game. Ngay cả những game "nặng" nhất như Battlefield 4 cũng sẽ chỉ tận dụng được 4 nhân, do đó có thêm 4 luồng "ảo" cũng sẽ là vô nghĩa.

Nếu không chơi game chiến thuật như Total War thì Core i5 sẽ là quá đủ với bạn.
-         Nói như vậy không có nghĩa rằng bạn lúc nào cũng nên tránh Core i7. Ví dụ, các tựa game của dòng Total War sẽ tận dụng được đáng kể sức mạnh của Core i7 do có quá nhiều đơn vị quân xuất hiện trên màn hình.
-         Dù sao, nếu bạn định mua chip để chơi game, bạn vẫn nên ưu tiên đầu tư card đồ họa hơn là bỏ tiền mua Core i7. Một lựa chọn tốt hiện tại là chip Core i5-6600K: nếu hiệu năng mặc định là không đủ, bạn có thể ép xung Core i5 lên 4GHz hoặc cao hơn thế nữa.
-         Còn nếu bạn có stream game và/hoặc chỉnh sửa video, dòng i7-6700K sẽ là lựa chọn tốt nhất cho bạn. i7-6700k cũng có khả năng ép xung tốt, miễn là bạn sẵn lòng bỏ tiền đầu tư vào các hệ thống tản nhiệt hiệu quả. Ngược lại, nếu nhu cầu của bạn chỉ dừng ở mức Word và Chrome, những mẫu chip cấp thấp như i3-6100 sẽ là quá đủ.


Laptop của bạn thuộc icom mấy? i3, i5 và i7? Cách giải mã đơn giản nhất.

Nếu desktop bạn có thể nhận biết 1 cách đơn giản nhưng trên laptop thì điều đó lại phức tạp hơn nhiều.


-         Trong phần trước, chúng ta đã cùng bàn về các dòng chip Core trên desktop. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một vấn đề rối loạn hơn rất nhiều: chip i3, i5 và i7 trên laptop.
-         Như bạn có thể thấy ở bảng thông số dưới đây, sự phân biệt khá rõ ràng về số nhân và số luồng trên desktop đã không còn. Khi đặt chân lên laptop, toàn bộ các dòng chip cao cấp của Intel đều có bản 2 nhân.


·        Bạn đọc có thể tìm hiểu sâu hơn về các khái niệm số nhân, Hyper-Threading, Turbo-Boost và dung lượng cache trong bài viết về Core trên desktop nhưng nhìn chung chúng bao gồm:
- Càng nhiều nhân thì chip càng mạnh mẽ, nhưng tùy theo nhu cầu của bạn chip 2 nhân có thể là vừa đủ.
- Hyper-Threading sẽ tách 1 nhân vật lý thành 2 nhân logic, song sự chênh lệch về hiệu năng thường chỉ vào mức 20%.
- Turbo-Boost cho phép chip Intel thay đổi xung nhịp để phù hợp với yêu cầu tính toán. Xung nhịp càng cao thì mức độ tiêu thụ pin và tỏa nhiệt cũng càng cao.
- Cache là bộ nhớ đệm giữa CPU và RAM. Cache càng cao thì CPU càng ít phải lấy dữ liệu từ RAM, giúp tăng tốc độ xử lý.
Sau đây, hãy cùng đi sâu tìm hiểu về chip Core trên laptop.

Sự phân biệt không rõ ràng giữa các dòng chip Core trên laptop

Ultrabook và máy hybrid thường chỉ có chip Core lõi kép.
-         Ở phân khúc giá thấp, chip Core i3 trên laptop chỉ có 2 nhân và không hỗ trợ Turbo Boost để tăng xung nhịp theo nhu cầu xử lý. Chip Core i3 trên laptop có hỗ trợ Hyper-Threading, do đó bạn sẽ thấy 2 nhân vật lý và 2 nhân logic khi mở Task Manager.
-         Tất cả các mẫu chip Core i5 và Core i7 trên laptop đều hỗ trợ Turbo Boost, nhưng cũng bắt đầu từ đây mọi thứ trở nên rối loạn. Phần lớn chip Core i5 chỉ có 2 nhân xử lý (có Hyper-Threading), số lượng Core i5 có 4 nhân xử lý (không hỗ trợ Hyper-Threading) trên laptop là khá ít. Các chip Core i7 có trên laptop có thể có 2 nhân hoặc 4 nhân, tất cả đều hỗ trợ Hyper-Threading. Nhìn chung, laptop chơi game hoặc workstation thường có Core i7 lõi tứ, còn laptop doanh nhân thường dùng Core i7 lõi kép.
-         Cuối cùng, Core i3 trên laptop thường chỉ có 3MB cache, Core i5 có từ 3MB hoặc 4MB cache còn Core i7 có từ 6MB đến 8MB cache.
-         Ngay cả khi chưa bàn tới sức mạnh đồ họa thì cách phân biệt sản phẩm này của Intel đã là đủ phức tạp. Song, để đưa ra quyết định mua sắm, bạn vẫn cần suy nghĩ kỹ về nhu cầu của mình: nếu chỉ cần làm việc văn phòng và lướt web, hãy chọn Core i3. Hiệu năng của Core i5 và Core i7 lõi kép vượt trội hơn nhưng vẫn không đủ để chơi game, do đó nếu nhu cầu của bạn có "nặng ký" hơn một chút so với thông thường, ví dụ như code hoặc Photoshop, bạn có thể mua laptop chạy Core i5 và ưu tiên hơn vào RAM.

Nếu chơi game hoặc cần chỉnh sửa video, bạn buộc phải tìm tới các model laptop có sử dụng Core i7 lõi tứ.


·        Vô vàn lựa chọn chip tầm trung
-         Có quá nhiều mẫu laptop mang danh là chạy Core i5 và Core i7 nhưng lại không đủ sức mạnh cho người dùng cần hiệu năng tuyệt đối. Thật may mắn là bạn có thể dễ dàng tránh các dòng laptop "tưởng mạnh mà yếu" này bằng cách nhìn vào ký tự ở cuối tên chip: nếu có ký hiệu U, UM hoặc Y, đây chắc chắn là chip 2 nhân tiết kiệm điện và do đó có hiệu năng thấp kém. Bù lại, chúng giúp cho laptop của bạn giữ được pin lâu hơn, chạy mát hơn và do đó cũng thường được sử dụng trên các mẫu laptop siêu mỏng.
-         Điều này đặt ra một câu hỏi: trên laptop thì bạn nên chọn chip Core i3, Core i5-U hay Core i7-U khi chúng đều có 2 nhân 4 luồng? Nhìn chung, chip dòng cao hơn vẫn sẽ mạnh mẽ hơn chip đời thấp. Ví dụ, Core i7-U có thể tăng xung nhịp lên mức cao hơn Core i5-U và cũng có dung lượng cache lớn hơn. Song, bạn vẫn cần lưu ý rằng ngay cả các con chip Core i7 lõi kép mạnh nhất vẫn không đủ sức mạnh để chiến game "đỉnh" ở mức độ thỏa mãn.

Chip Core lõi tứ trên laptop


-         Với Skylake, số lượng Core i5 lõi tứ trên laptop bỗng gia tăng đáng kể so với trước đây. Ví dụ, các laptop có sử dụng Core i5-6300HQ, i5-6350HQ và i5-6440HQ đều sẽ mang lại hiệu năng vượt trội so với Core i7-6500U. Trong các mẫu Core i5 kể trên, i5-6440HQ có xung nhịp cao nhất ở mức 2.6GHz-3.5GHz; 6300HQ và 6350HQ có cùng xung nhịp nhưng bản 6350HQ lại có đồ họa Iris.
-         Nhìn chung, nguyên tắc ở đây là khá đơn giản: hãy tìm các mẫu laptop có chữ "HQ" ở cuối tên chip. Ký tự H chỉ các dòng chip hiệu năng cao còn ký tự Q chỉ chip lõi tứ, do đó thực chất ngay cả chip có ký hiệu UQ và QM cũng sẽ có hiệu năng đủ tốt để chơi game, dù rằng chúng thường thua kém các mẫu HQ cùng số.
-         Các mẫu laptop chơi game cao cấp nhất thường dùng Core i7-HQ với 4 nhân vật lý và 4 nhân ảo. Bạn thậm chí còn có thể mua những chiếc laptop "khủng" nhất chạy chip Core i7-6820HK để ép xung, nhưng nếu đã có nhu cầu mạnh mẽ tới vậy có lẽ bạn nên chuyển sang desktop cho hợp lý.

Đồ họa Intel HD và Iris

Nếu chỉ chơi game cũ thì Iris có thể đáp ứng nhu cầu của bạn.
-         Nếu có ý định chơi game trên laptop, bạn nên đầu tư vào các dòng có card đồ họa rời như ASUS ROG hay MSI. Nhưng, nếu không quá chú trọng vào đồ họa và chỉ cần chơi các tựa game "bình dân" như WOW, DOTA2, LOL hoặc các tựa game AAA cũ kỹ như Skyrim, bạn vẫn có thể trông chờ vào đồ họa Iris trên chip Intel Core. Hãy tìm các mẫu chip có GPU Iris 580, 550 hoặc 540.
-         Đồ họa Intel HD Graphics 520 và 530 cũng đủ sức mạnh để chơi video 4K nhưng vẫn thua kém Iris khá nhiều. Bạn có thể xem bảng dưới đây để ước tính về sức mạnh của các GPU tích hợp trên chip Intel:

-         Cần phải lưu ý rằng xung nhịp nhân không quan trọng bằng số lượng đơn vị xử lý. Tùy thuộc vào tựa game, 48 EU trên Iris 540 có thể mang tới hiệu năng đồ họa cao hơn 35% so với 24 EU trên HD 520.
Kết luận:
Không hề đơn giản để gọi tên sản phẩm của Intel phải không nào. Bạn có thể phân biệt các dòng Core trên desktop một cách dễ dàng, nhưng với laptop mọi thứ sẽ trở nên rối loạn hơn rất nhiều. Tình cảnh này sẽ không sớm thay đổi trong nay mai, do đó bạn cần đặc biệt lưu ý tới các ký hiệu có trên tên chip để nhận định liệu chiếc laptop sắp mua có phục vụ đầy đủ cho nhu cầu của mình hay không.
Bài liên quan:


Bạn gặp vấn đề bởi ý nghĩa của các emoji? Hãy đến với WhatMoji mọi việc sẽ thật đơn giản.

Biểu tượng cảm xúc "emoji" khiến bạn gặp khó khăm và không hiểu? WhatMoji  là trang web giúp "giải ngố" trong trường hợp này.


-         Ngoài những dòng chữ thông thường, biểu tượng cảm xúc (emoji) là một cách hiện đại, thân thiện và dễ thương để thể hiện cảm xúc hoặc những điều muốn nói của mình đến bạn bè. Song, không phải ai cũng biết hết ý nghĩa của một emoji, trong thời đại mà "mặt cười" lại thể hiện "sự khinh bỉ" như hiện nay thì WhatMojira đời giúp bạn hiểu hết ý nghĩa thể hiện của các emoji. Trang web này sẽ rất hữu ích nếu muốn sử dụng một emoji mà sợ bị "chọc quê", hoặc không hiểu ý nghĩa của emoji mà bạn bè gửi cho mình là gì.
-         Chỉ cần truy cập WhatMoji rồi copy hoặc nhập emoji mà bạn muốn "giải ngố" vào. Ngay lập tức ý nghĩa cũng như mã emoji sẽ được hiển thị, cũng như đường dẫn đến emoji trong trường hợp không gõ emoji trực tiếp từ bàn phím được.

Kết luận: WhatMoji không thể dịch hết ý nghĩa một tin nhắn chỉ toàn emoji nhưng nó sẽ cho bạn biết ý nghĩa cơ bản của emoji đó là gì. Ứng dụng cũng có sẵn danh sách một số emoji để bạn giải nghĩa bằng cách copy và dán nó vào ô nhập emoji ngay tại trang chủ.


Bạn nghĩ router không dây không tốt và không chưa 1 lần sử dụng? 10 tính năng giúp bạn thay đổi ý nghĩa của mình

Ở văn phòng, ở nhà... bạn đang sử dụng mạng với dây dợ chằng chịt, điều đó khiến bạn gặp không ít bất tiện? Bạn muốn tìm 1 giải pháp mới để thay cho những cái cũ nhưng chưa thực sự yên tâm? Một lời khuyên dành cho bạn nên sử dụng những tính năng hữu ích sau đây vốn được tích hợp sẵn trong router nhằm nâng cao tính bảo mật và an toàn dữ liệu.
1. Mã hóa (Encryption)
-         Bạn có biết mạng Wi-Fi của mình đã được mã hóa hay chưa? Nếu có thì thiết bị đang sử dụng chuẩn mã hóa nào? Làm cách nào để bảo mật tốt hơn?
-         Về cơ bản, bảo mật mạng không dây là tính năng quan trọng và phổ biến nhất trong router hiện nay. Tính năng này giúp ngăn chặn người khác truy cập vào mạng không dây của mình nếu không có mật khẩu, đồng thời cũng thiết lập mã hóa dữ liệu truyền đi giữa các máy tính hoặc thiết bị trong mạng.


WPA2 hiện được xem là phương thức mã hóa tốt hơn so với WPA và WEP
-         Thông thường, khi thiết lập tính năng bảo mật cho router không dây thì bạn sẽ được cung cấp các lựa chọn chuẩn như WEP, WPA hay WPA2. Vài năm trước, Wired Equivalent Privacy (WEP) là tiêu chuẩn bảo mật của mạng không dây. Nhưng dần dần WEP đã dễ bị hack bởi nhiều công cụ có thể tìm thấy trên Internet. Sau WEP là Wi-Fi Protected Access (WPA) cũng có khuyết điểm và được thay thế bằng WPA2 hiện được xem là phương thức mã hóa tốt nhất.
2. Lọc địa chỉ MAC (MAC Address Filters)
-         Ngoài việc sử dụng các chế độ mã hóa kể trên, bạn có thể kết hợp thêm tính năng lọc địa chỉ MAC (MAC address filter) để kiểm soát việc truy cập vào mạng của các thiết bị. Đây vốn là tính năng mà hầu hết các router không dây hiện nay đều được trang bị. Bạn có thể cấm các thiết bị cụ thể kết nối vào mạng của mình bằng cách lọc địa chỉ MAC của chúng. Hoặc để bảo mật cao hơn, hãy tạo ra một danh sách chỉ những thiết bị được phép kết nối.
-         Mỗi thiết bị có thể kết nối với các hệ thống mạng nhờ được gán một định danh duy nhất, có dạng một dãy số hệ thập lục phân 12 chữ số được gọi là địa chỉ MAC. Địa chỉ này được mã hóa "cứng" trong chính thiết bị khi nó được sản xuất và không thể thay đổi.
-         Nhìn chung, đây là một cách tốt để duy trì kiểm soát hệ thống mạng nhưng bạn không nên lạm dụng nó. Chắc chắn là không ai muốn phải đăng nhập vào trang cấu hình router mỗi khi có bạn bè đến chơi để cho phép họ kết nối vào mạng Internet, chỉ vì bạn đã chặn tất cả các thiết bị không được chấp thuận.

Chọn kênh phù hợp để giảm thiểu tình trạng nhiễu

3. Chuyển tiếp cổng (Port Forwarding)
-         Mỗi gói dữ liệu được gửi đi trong một hệ thống mạng thường tìm cách để đến ứng dụng chính xác thông qua một loạt các cổng (port). Router sử dụng các cổng để lọc thông tin thành các loại khác nhau, ví dụ trang web giao thức HTTP thường sử dụng cổng 80, email gửi đi trên giao thức SMTP sử dụng cổng 25,… Nhưng dù sử dụng cổng nào đi nữa thì phương thức truyền này sẽ đảm bảo rằng thông tin được gửi đến đúng thiết bị.
-         Có tổng cộng 65.536 cổng và vì lý do an ninh nên hầu hết chúng mặc định đều bị chặn. Nếu phần mềm hoặc dịch vụ sử dụng dải cổng phi tiêu chuẩn, router có thể không biết được thiết bị nào mà dữ liệu cần truyền đến.
Do đó, bạn cần phải sử dụng tính năng chuyển tiếp cổng (port forwarding) nếu gặp vấn đề trên. Tính năng này sẽ thông báo một cách rõ ràng cho router biết để trực tiếp mở một loạt cổng cho một thiết bị cụ thể kết nối vào mạng.

4. Quản lý chất lượng dịch vụ (Quality of Service)
-         Trong quá trình truy cập Internet, router phải đảm đương nhiệm vụ tải hàng trăm loại dữ liệu khác nhau như trang web, hình ảnh, âm thanh, video, tin nhắn, cập nhật phần mềm, game hay tập tin torrent,… Nếu muốn ưu tiên băng thông cho một dịch vụ cụ thể nào đó, một loại dữ liệu hoặc cho một máy tính nào đó trong mạng, bạn có thể sử dụng tính năng Quality of Service (QoS) trong router.
-         QoS, hay còn gọi là Quản lý chất lượng dịch vụ, là một trong những cách để tối ưu hóa hiệu suất hệ thống mạng của bạn. Khi băng thông hệ thống mạng đang bị chiếm dụng bởi nhiều ứng dụng và thiết bị, các ứng dụng cần nhiều băng thông - chẳng hạn như thoại video hoặc game trực tuyến - có thể gặp phải tình trạng hiệu suất giảm dần theo thời gian.
-         Với QoS, bạn có thể hướng dẫn router ưu tiên băng thông cho các ứng dụng cần thiết, lấy bớt tài nguyên từ các ứng dụng khác cần ít băng thông hoặc ít quan trọng hơn, chẳng hạn như thiết lập để các ứng dụng sao lưu đám mây chỉ chạy nền.
-         Một số router cung cấp tính năng Wi-Fi Multimedia (WMM), vốn là một loại đặc biệt của QoS. Khi được kích hoạt, nó sẽ tự động ưu tiên các dịch vụ dữ liệu giọng nói, âm thanh và video để cải thiện hiệu suất đa phương tiện.

5. Chọn kênh phát sóng (Channel)
-         Router không dây truyền dữ liệu trên một trong số nhiều "kênh" (channel) khác nhau. Nếu có nhiều router trong vùng lân cận và tất cả chúng đều đang được thiết lập để sử dụng cùng một kênh, tín hiệu sẽ có thể bị can nhiễu và ảnh hưởng đến hiệu suất trên các kênh.
-         Nhiều router đời mới hiện nay thường có tính năng tự động chọn kênh tốt nhất để truyền dữ liệu nhằm tránh những vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, nếu router của bạn không có tính năng này hoặc nếu bạn gặp phải tình trạng hiệu suất bị giảm so với ban đầu, hãy tự mình thử chuyển sang một kênh khác để xem có cải thiện vấn đề.
-         Ngoài ra, bạn có thể xác định kênh nào tốt nhất để sử dụng bằng các ứng dụng WiFi Analyzer cho Android, WiFiInfoView cho Windows, hoặc bằng cách sử dụng công cụ tích hợp Wireless Diagnostics trên OS X (giữ phím Alt và nhấn vào biểu tượng Wi-Fi để truy xuất).

6. Băng tần 5GHz
-         Nếu router của bạn thuộc loại đời mới hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 802.11ac thì thiết bị chắc chắn có hỗ trợ băng tần 5GHz, bên cạnh băng tần 2,4 GHz giống như các mẫu router cũ.
-         Mỗi băng tần đều có những ưu và khuyết điểm khi sử dụng, nhưng nhìn chung băng tần 5GHz ít bị can nhiễu, ổn định hơn và có thể truyền tốc độ nhanh hơn. Trong khi đó, băng tần 2,4GHz có phạm vi phủ sóng lớn hơn. Vì ít bị can nhiễu nên mạng băng tần 5GHz thích hợp hơn cho mạng gia đình vì một vài thiết bị điện tử gia dụng như lò vi sóng và camera giám sát trẻ em thường sử dụng băng tần 2,4GHz.
-         Tuy nhiên, trước khi thực hiện chuyển đổi sang sử dụng mạng băng tần 5GHz, bạn nên biết rằng tất cả thiết bị kết nối hiện có trong nhà mình cũng sẽ cần phải hỗ trợ băng tần này. Một số router có thể sử dụng cả hai băng tần cùng một lúc, nhưng tốt nhất là nên cấu hình một băng tần duy nhất để tất cả thiết bị của bạn có thể làm việc hiệu quả.

7. Truy xuất tập tin chia sẻ (Shared File Access)
-         Nhiều router đời mới hiện nay đều đi kèm cổng USB ở phía sau (thậm chí bạn có thể không nhận thấy trên nhiều sản phẩm vì nó được giấu khá kín đáo) để chia sẻ tập tin trong mạng ngang hàng.
-         Khi gắn ổ lưu trữ flash USB hay ổ cứng gắn ngoài vào cổng USB trên router, bạn có thể truy cập nội dung trên đó từ bất kỳ máy tính nào trong mạng. Đây được xem là một giải pháp hiệu quả có thể hoạt động như một hệ thống lưu trữ mạng cơ bản.
-         Cách thức hoạt động của cổng USB chia sẻ dữ liệu sẽ khác nhau tùy theo bộ định tuyến. Một số model sẽ chỉ cho phép một máy tính truy cập vào ổ đĩa tại một thời điểm, trong khi những mẫu khác cung cấp các chức năng bổ sung như cho phép ổ đĩa làm việc như một máy chủ đa phương tiện, trong đó có cả khả năng truyền tải nội dung đến các thiết bị kết nối.
-         Cổng USB này trên router cũng có chức năng kết nối với các thiết bị USB khác, bao gồm cả máy in. Tuy nhiên, do nhiều máy in ngày nay thường tích hợp kết nối Wi-Fi, do đó tính năng này có thể ít được sử dụng.

8. Chế độ tài khoản khách (Guest Mode)
-         Một số router có tính năng Guest Mode dành riêng cho những ai sử dụng tạm thời trong khoảng thời gian ngắn. Đây là một giải pháp nhằm cung cấp khả năng truy cập nhanh chóng và bảo mật cho khách vãng lai, đồng thời cũng cho phép tạo ra một mạng riêng biệt cho một nhóm người dùng đặc biệt để họ không nằm cùng mạng với các người dùng thông thường khác.
-         Về mặt kỹ thuật, chế độ này cho phép kích hoạt một tín hiệu Wi-Fi thứ hai có tên mạng SSID và thiết lập bảo mật riêng. Người dùng khi kết nối vào mạng này chỉ có thể truy xuất mạng Internet và không thể làm gì khác. Bạn cũng có thể giới hạn số lượng người cùng lúc kết nối vào mạng này.

9. Quản lý trẻ em (Parental Control)
-         Cùng với chế độ Guest Mode, nhiều router thế hệ mới còn cung cấp tính năng Parental Control dành cho các phụ huynh quản lý việc truy cập Internet của trẻ em. Tính năng này có thể dùng để lọc nội dung, hạn chế giờ lên mạng cũng như quy định các trang web có thể được truy cập. Bạn thậm chí có thể ngắt truy cập Internet hoàn toàn theo một lịch trình định sẵn.

Tính năng Parental Control dành cho phụ huynh quản lý việc truy cập Internet của trẻ em
-         Parental Control có thể làm việc trên cơ sở từng thiết bị, chẳng hạn như dựa vào địa chỉ MAC của iPad hoặc laptop của trẻ, hoặc bằng cách tạo ra các tài khoản "bỏ qua" những người lớn trong gia đình để họ có thể không bị ảnh hưởng bởi các giới hạn kiểm soát và truy cập không hạn chế.
10. Ứng dụng quản lý di động (Mobile Management App)
-         Nhiều tính năng được liệt kê trên đây có thể được cấu hình thông qua trang điều khiển của router, thường được truy cập từ trình duyệt web trên máy tính. Tuy nhiên, nhằm mang lại tính tiện dụng cho người dùng di động, một vài model router hiện nay còn cho phép điều khiển thông qua các ứng dụng trên smartphone.
-         Nhiều hãng sản xuất như Linksys hay Netgear đều cung cấp ứng dụng chạy trên nền tảng iPhone và Android để cấu hình các sản phẩm router của họ. Với những ứng dụng này, bạn có thể quản lý tài khoản Guest hay cấu hình Parental Control một cách dễ dàng dàng hơn, bất kỳ lúc nào có thể mà không cần phải mở máy tính. Thậm chí, bạn cũng có thể thực hiện thao tác khởi động lại router nếu đường truyền Internet có vấn đề.
 Kết luận: 10 tính năng trên đây, tôi tin đã giúp bạn thay đổi suy nghĩ của mình về router không đây.